Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

365 VÀ 365

Hãy Kinh Doanh Bằng Một Tấm Lòng...

24h
24h
Hãy Kinh Doanh Bằng Cả Tấm Lòng...

1. Tuần vừa rồi, khi đi ngang qua đường Trịnh Đình Cửu, tôi thấy một cửa hàng cắt tóc treo biển “Cắt tóc miễn phí cho người nghèo, grab, xe ôm - Thứ 3,4,5 hàng tuần”.

Quán trang trí rất trẻ, rất phong cách, những tưởng chỉ chuyên cắt tóc cho dân chơi. Thế nhưng biển cắt tóc miễn phí rất lớn, chữ rất to, thậm chí có treo cả phướn trên cột điện trước nhà cho người đi đường hay đi xe đều dễ nhìn.

Cạnh tấm phướn, tôi thấy một chú xe ôm cứ đứng tần ngần mãi, đọc đi đọc lại dòng chữ, rồi nhìn vào cửa hàng, xoa xoa cái đầu rối bù vì gió bụi và mũ bảo hiểm.

Đột nhiên, thấy sống mũi cay cay.

2. Ai hay đi qua khu vực ngã sáu Khâm Thiên - Xã Đàn đều biết đây là tụ điểm tắc đường, xe cộ qua lại như tổ kiến, lại không có cây xanh nên rất nắng. Đỉnh điểm mùa hè, lòng đường như chảo lửa, người như lạc rang, chờ đèn đỏ 99+ giây mà miệng khô như ngói.

Ở đấy có một quán phụ kiện điện thoại. Đầu giờ sáng và đầu giờ chiều, chủ quán đặt một bình trà đá miễn phí và cốc nhựa trước cửa, gần cột đèn giao thông. Ai đang khát đi qua như người lạc giữa sa mạc nhìn thấy ốc đảo. Với các chú xe ôm và sinh viên chạy Grab, bán mặt ngoài đường triền miên để kiếm mấy đồng bạc mà muốn uống chai nước cũng mất tiền, cốc trà đá đấy là một thứ gì đấy đầy tình người.

Và đúng là như vậy.

3. Xung quanh trường Bách Khoa có nhiều quán ăn sinh viên. Thông thường, khoảng 20 - 25 nghìn là được một suất đủ ăn, còn ăn ngon thì khoảng 35 - 40 nghìn nghìn. Giờ cao điểm, hàng quán ồn ào tấp nập, không mấy ai để ý người ta làm gì hay ăn cái gì.

Một ngày nọ, tôi đang ăn ở quán phở quen thì thấy một cậu sinh viên dìu một người đàn ông lớn tuổi, mắt mờ đục đi vào. Cậu gọi to: “Cho hai bát phở bò đầy đủ!”

Người đàn ông vội nói: “Cái thằng này, bày đặt phở phiếc gì! Ăn gì rẻ rẻ thôi!”

Cậu sinh viên hì hì: “Bố chẳng mấy khi lên thành phố, con phải đãi bố phở Hà Nội cho biết. Bố yên tâm, con làm thêm, có tiền.”

Nói vậy, vừa dìu bố ngồi xuống bàn cạnh tôi, cậu lấy cớ chạy lại quầy và nhỏ giọng với chủ quán. Tôi không nghe được gì, cũng bẵng đi không để ý. Đến lúc chủ quán bưng hai tô phở đầy đủ cho hai cha con, tôi mới ngẩng đầu lên nhìn - và bắt gặp khuôn mặt ngạc nhiên đến thẫn thờ của cậu sinh viên.

Chủ quán chỉ cười.

Người cha mù lòa được ăn phở bò Hà Nội, xuýt xoa mãi. Bát phở vừa nóng hổi, vừa thơm ngọt, vừa nhiều thịt, đâu lèo tèo như dưới quê. Còn người con, mắt đỏ hoe, gắp thêm ba phần thịt của mình cho bố.

Sau đó hỏi lại, tôi mới biết, cậu sinh viên nghèo quá, chỉ đủ mua một bát phở bò thôi nhưng không muốn bố buồn, nên muốn chủ quán bí mật đổi lại một bát thành phở không. Nhưng, chủ quán đã tặng bát phở bò ấy cho cậu ấy.

Lần đầu tiên, tôi thấy bát phở mình ăn không những no bụng, mà còn ấm lòng.

4. Người ta hay nói mục đích cuối cùng của kinh doanh là lợi nhuận. Có thể là như vậy, nhưng tôi nghĩ, sẽ tuyệt vời biết bao nếu mục đích cuối cùng của kinh doanh là khiến xã hội này tốt đẹp hơn, khiến con người ta tin tưởng vào nhau hơn.

Tiền “bạc”, nhưng tình không “bạc”, nên dù thế nào, hãy kinh doanh bằng một tấm lòng.
24h